Rất nhiều mẹ bầu đang băn khoăn không biết khoa phụ sản của bệnh viện Trung ương Quân đội 108 có phục vụ tốt hay không, có đảm bảo an toàn không và chi phí như thế nào. Để trả lời cho những câu hỏi đó, bài viết dưới đây đội ngũ muaonlinegiatot sẽ chia sẻ kinh nghiệm đi đẻ ở viện 108 (khu nhà mới) giúp bạn có cái nhìn bao quát và rõ ràng về những điều cần biết khi đi sinh tại bệnh viện 108.
I. Kinh nghiệm đi đẻ tại bệnh viện 108
1. Kinh nghiệm làm hồ sơ sinh ở bệnh viện 108
1.1. Đi làm hồ sơ vào thời điểm nào và kinh nghiệm làm hồ sơ sinh
Các mẹ bầu nên đăng ký hồ sơ sinh chậm nhất là lúc bé ở tuần 20-26, bởi nếu đăng ký muộn mà không có người quen thì rất khó để đăng ký hồ sơ. Khi đi đăng ký, bố mẹ nên chuẩn bị đầy đủ:
- Thẻ bảo hiểm và một bản photo thẻ bảo hiểm y tế.
- Thẻ căn cước công dân.
- Đem theo khoảng 1-3 triệu đồng.
Khi các mẹ đến làm hồ sơ sinh, nhân viên y tá sẽ hướng dẫn và đưa đến từng phòng, không cần phải xếp hàng. Khi hoàn tất việc đăng ký hồ sơ, việc của bạn chỉ cần đi khám định kỳ, đi đẻ và mang theo một số đồ đạc cần thiết thôi.
Kinh nghiệm đi làm hồ sơ sinh:
- Các mẹ cần có mặt từ sáng sớm để lấy số thứ tự làm thủ tục đăng ký khám (người nhà có thể lấy hộ), ai có bảo hiểm thì sẽ lấy phiếu ở khu vực có bảo hiểm (các mẹ cứ yên tâm vì trái tuyến vẫn được giảm 30% nhé).
- Các bàn đăng ký bắt đầu làm việc từ 6h30, các mẹ sẽ vào đăng ký theo số thứ tự trên bảng điện tử (có bảo hiểm vào khu khám bảo hiểm, không có bảo hiểm sẽ vào khu khám bệnh nhân không bảo hiểm).
- Sau khi trình chứng minh thư và bảo hiểm (đăng ký xong), họ sẽ giữ bảo hiểm y tế của mình rồi dán phiếu khám vào bản photo thẻ bảo hiểm y tế, trên phiếu khám đó sẽ có số thứ tự khám và chỉ dẫn tới phòng khám.
- Lên phòng khám sản tầng 2, gặp bác sĩ sản để đo các chỉ số và làm bộ hồ sơ để bạn đi xét nghiệm. Sau đó, cầm bộ hồ sơ lên khu siêu âm để lấy số thứ tự siêu âm (sẽ lấy được số siêu âm thai, điện tim, siêu âm tim).
- Trong lúc chờ đến số thứ tự siêu âm thì mẹ xuống khu thử máu và thử nước tiểu để tiến hành quét mã vạch cho công đoạn thử máu và nước tiểu. Tiếp theo, bác sĩ sẽ lấy máu ở tay và ở tai rồi cầm ống đi lấy nước tiểu (kinh nghiệm là sáng sớm lấy sẵn nước tiểu vào một cái chai nhỏ mang theo rồi chỉ cần đổ vào cái ống đó là xong).
- Tiếp tục nhanh chóng quay lại khu siêu âm, điện tim, siêu âm tim (nếu chưa đến lượt thì có thể tranh thủ ăn sáng). Sau khi siêu âm xong sẽ được trả kết quả luôn sau đó xuống quầy thuốc để mua thuốc như đã được bác sĩ kê đơn (bạn có thể mua nửa đơn cũng được, nhưng không được không mua nha).
- Hầu như các công đoạn diễn ra khá lâu, do vậy hoàn tất các công đoạn trên là đã xong buổi sáng rồi. Buổi chiều tiếp tục mang phiếu khám buổi sáng đến chỗ làm thủ tục bảo hiểm lúc sáng, họ sẽ trả kết quả khám, trả thẻ bảo hiểm và nộp 582k (trong trường hợp trừ 30% bảo hiểm).
- Tất cả xong xuôi, mẹ bầu lên phòng khám sản ban đầu để nhận nốt kết quả điện tim, xét nghiệm máu, nước tiểu và dặn dò một vài vấn đề. Vậy là hoàn tất một ngày đi đăng ký hồ sơ sinh, chờ hai tuần sau đi khám lại (nên đi buổi chiều vì chiều khá vắng vẻ, thỏa mái).
1.2. Khám định kỳ
- Thông thường các mẹ bầu có lịch khám định kỳ là một tháng một lần. Khi đăng ký sinh sẽ cần thực hiện một loạt các xét nghiệm (như đã nói ở phần trên), hoặc nếu mẹ có tiền sử bị bệnh gì khác thì sẽ được kiểm tra thêm và tất cả được lưu làm bộ hồ sơ đăng ký sinh.
- Mỗi lần đi khám sẽ được yêu cầu làm các xét nghiệm tùy từng bác sĩ khám. Thường sẽ có siêu âm, xét nghiệm máu hoặc nước tiểu , sau đó kê đơn mua thuốc. Đơn thuốc thường nhiều loại và tốn tiền.
- Nếu các mẹ đi siêu âm ngoài mà cả mẹ và bé đều khỏe mạnh, mọi thứ ổn định thì kinh nghiệm là chỉ cần đi những mốc 22 tuần, 32 tuần, 36 tuần và trước ngày dự sinh 1-2 tuần. Bởi các bác sĩ thay đổi luân phiên và chỉ khám dựa theo các kết quả xét nghiệm nên không cần vào khám định kỳ quá nhiều lần, vừa tốn tiền mua thuốc tiền xét nghiệm, tốn thời gian và công sức chờ đợi.
1.3 Chuẩn bị đồ đi sinh như thế nào?
- Trước ngày đi sinh, cha mẹ cần chuẩn bị 1 túi hồ sơ để đựng đầy đủ các kết quả khám từ lúc đăng ký đến trước lúc đẻ, mang theo căn cước công dân bản photo của cả bố và mẹ, sổ hộ khẩu bản chính và hộ khẩu photo (để làm giấy chứng nhận cho con), túi đựng đồ cho mẹ và bé (bỉm, sữa tắm và để riêng một túi đồ để bác sĩ cầm vào phòng sinh, các mẹ có thể tham khảo chi tiết hơn:
- Đối với mẹ: bỉm mẹ, một bộ quần áo, cốc thìa
- Đối với con: bỉm con, 20 chiếc khăn xô, sữa, bình sữa, khăn ướt, một bộ quần áo (vì đã có quần áo viện và khăn quấn của viện cho bé rồi nhé)
2. Review quá trình đi đẻ ở viện 108
- Khi các mẹ có dấu hiệu chuyển dạ, gia đình cần nhanh chóng đưa mẹ bầu đến khoa sản của bệnh viện (ở tầng 9 tòa nhà mới). Khi đến viện, các y tá bác sĩ sẽ hỏi về dấu hiệu và khám cho mẹ bầu, sau đó có thể chạy monitor nếu các mẹ chưa có các dấu hiệu rõ ràng. Cùng với đó, người nhà đi làm các thủ tục nhập viện và đặt cọc tiền đẻ là 5 triệu.
- Mẹ tiếp tục nằm chờ sinh với cơn đau dồn dập, kinh nghiệm là khi nào đau tầm 4-5 phút một cơn mới báo cho bác sĩ để khám, mỗi lần khám là phải lên bàn, cởi bỏ quần, các bác sĩ sẽ lấy tay móc vào cửa mình để xem đã mở được bao nhiêu phân rồi. Nếu cổ tử cung đã mở đủ thì mẹ thay đồ và được chuyển vào phòng sinh.
- Khi vào phòng đẻ, các mẹ nên mang ít nhất 1 cái bỉm loại to (dạng Caryn) để sử dụng sau khi sinh xong. Trong phòng sinh có 2 người đỡ đẻ (1 người đỡ chính), bác sĩ đỡ đẻ nhiệt tình, nhẹ nhàng, nhưng các mẹ không nên hét to quá nhé, vừa mất sức lại vừa bị mắng làm tâm lý thêm hoang mang đó.
- Trong quá trình sinh, các bác sĩ sẽ hỏi mẹ có muốn lấy máu gót chân cho con không, có hoặc không thì họ sẽ đăng ký luôn, vì vậy các mẹ hãy tìm hiểu về nó trước nhé.
- Tiếp đến là lúc khâu tầng sinh môn, bởi các mẹ được gây tê màng cứng nên sẽ không có cảm giác đau khi khâu. Lúc này mẹ đã qua cơn đau đẻ và được nhìn thấy con rồi nên mọi sự đau đớn hầu như tan biến hết thôi.
- Em bé sau khi sinh sẽ được tiêm K và gan B đầy đủ, sau đó bác sĩ sẽ gọi bố để đón bé và mang sổ hộ khẩu để làm giấy chứng sinh cho bé.
- Sau khi hoàn tất quá trình sinh nở, mẹ được đưa về phòng nghỉ ngơi.
- Hàng ngày, các cô y tá sẽ đón bé đi tắm vào khoảng 8h. Đối với mẹ sẽ được y tá vệ sinh cơ thể rất nhẹ nhàng và vô cùng chuyên nghiệp.
- Đặc biệt, sau 2 ngày con ra đời sẽ được cắt rốn Laze sạch sẽ và khô ráo, không phải chờ con tự rụng rốn và cẩn thận hết mức trong lúc tắm cho bé nữa.
3. Chi phí đi đẻ ở viện 108 có cao không?
Các dịch vụ:
- Bộ hồ sơ xét nghiệm đăng ký sinh: 1.600.000vnđ (đối với các mẹ không có bệnh gì đặc biệt):
- Khám định kỳ: 250.000-450.000vnđ/ mỗi lần (để làm các xét nghiệm máu, nước tiểu và siêu âm 3D).
- Đơn thuốc rất “khủng”: có đơn bác sĩ kê lên đến gần 2.000.000 (kinh nghiệm là các mẹ đừng đi khám nhiều và cũng đừng mua hết đơn thuốc).
- Chi phí đẻ thường : 2.500.000vnđ (không phải kích đẻ)
- Bên đại học Y sẽ lấy máu gót chân cho bé (nếu bố mẹ sử dụng dịch vụ) với mức chi phí là 600.000vnđ 5 bệnh, 2.700.000vnđ 60 bệnh.
- Phòng có các mức 150.000, 600.000, 1.000.000, 2.500.000vnđ (phục vụ tận tình 3 bữa) nên các bạn có thể chọn lựa sao cho phù hợp với nhu cầu sử dụng và điều kiện tinh tế gia đình.
- Nếu người nhà ở lại sẽ thêm 200.000vnđ. Người thăm được thăm vào 2 khung giờ trong ngày: 11h-13h; 17h-21h và nhớ đem theo căn cước để làm thẻ ra vào.
TỔNG:
- Tổng chi phí đẻ thường, được hưởng 80% bảo hiểm y tế: 4.300.000vnđ . Trong đó có 2.400.000vnđ tiền giường với dịch vụ 600.000vnđ một ngày. Giá cực rẻ mà phòng cực thoáng và đẹp.
- Tổng chi phí để mổ, được hưởng 30% bảo hiểm y tế trái tuyến: 5.400.000-7.000.000vnđ, đã bao gồm phòng dịch vụ và kháng sinh cho mẹ trong 3 ngày.
4. Đánh giá về chất lượng phục vụ, thái độ của đội ngũ y bác sĩ
✔ Phòng ở: sạch sẽ, các bác sĩ, y tá làm việc nhiệt tình và rất có tâm.
✔ Y bác sĩ: chăm sóc chu đáo về mọi việc như vệ sinh vết khâu, thường xuyên hỏi thăm và kiểm tra sức khỏe, giúp đỡ vệ sinh cá nhân các mẹ sinh mổ,…
✔ Bệnh viện: sạch sẽ, thoáng mát, có phòng vệ sinh riêng, tủ lạnh, bình nóng lạnh, tivi, điều hòa,… Mỗi phòng có 2 giường và có chuẩn bị giường cho người nhà sản phụ, nôi của em bé cũng được trang bị đầy đủ.
✔ Dịch vụ sau sinh:
Sau khi em bé ra đời, y tá sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc cho bé ăn, vệ sinh cá nhân cho bé và hướng dẫn mẹ thay tã cho bé. Nếu 2 mẹ con có vấn đề gì thì chỉ cần bấm chuông, y tá sẽ có mặt hỗ trợ ngay lập tức.
Điều tuyệt vời hơn là y tá cũng sẽ vệ sinh, thay bỉm và kiểm tra vết khâu tầng sinh môn cho mẹ 3 lần/ngày nên người nhà sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều.
Khi ra viện, bệnh viện sẽ chuẩn bị quà cho bé và mẹ, thái độ của tất cả mọi người trong bệnh viện đều nhẹ nhàng, tình cảm, tôn trọng sản phụ và người nhà sản phụ.
II. Dịch vụ sinh con trọn gói của bệnh viện 108
1. Dịch vụ trọn gói ở bệnh viện 108
Từ tuần thứ 35 của thai kỳ, các mẹ có thể đăng ký dịch vụ sinh con trọn gói sau:
- Thăm khám: 3 lần với bác sĩ sản khoa, 1 lần với bác sĩ gây mê, 1 lần siêu âm thai được thực hiện bởi bác sĩ sản khoa, theo dõi tim thai nhi bằng máy Monitoring.
- Đối với mổ đẻ thì sẽ được sử dụng các trang thiết bị phẫu thuật của khu PT TYC, các vật tư y tế thiết yếu, thuốc thiết yếu và phương pháp gây tê ngoài màng cứng.
- Đối với sinh thường thì cũng sẽ được trang bị các thiết bị của khu PT TYC, vật tư và các loại thuốc thiết yếu, ngoài ra, phương pháp đẻ không đau sẽ được tính phí riêng (tiện cho nhiều trường hợp gia đình không muốn áp dụng).
- Sau khi sinh mẹ sẽ được nằm phòng đôi trong thời gian 3 ngày đối với mổ đẻ và 2 ngày đối với sinh thường, ngoài những ngày trên, những ngày tiếp theo khách hàng sẽ phải thanh toán tiền giường theo giá đã được quy định của bệnh viện. Bên cạnh đó, khách hàng sẽ được nhận một số dịch vụ chăm sóc sau sinh: tiêm vitamin K, tiêm vacxin viêm gan B mũi đầu cho bé, 1 lần kiểm tra sau sinh cho mẹ với bác sĩ sản khoa và 1 lần kiểm tra cho bé với bác sĩ nhi khoa.
- Một số quyền lợi bổ sung đi kèm: được cung cấp các thông tin về an toàn thai sản, tư vấn các vấn đề sau sinh cho mẹ và hướng dẫn mẹ cho bé bú đúng cách.
2. Chi phí sinh mổ, sinh thường ở viện 108
- Đối với bà mẹ có thai đơn:
- Chi phí sinh thường là 20 triệu.
- Chi phí sinh mổ lần thứ nhất/ thứ hai/ thứ ba lần lượt là 35 triệu/ 38 triệu/ 41 triệu.
- Đối với bà mẹ có thai đôi:
- Chi phí sinh thường là 25 triệu.
- Chi phí sinh mổ lần thứ nhất/ thứ hai/ thứ ba lần lượt là 38 triệu/ 41 triệu/ 44 triệu.
Ngoài ra có một số dịch vụ khác như gây tê màng cứng cần chi trả khoảng 3 triệu đồng
Trên đây là những kinh nghiệm đi đẻ ở bệnh viện Trung ương Quân đội 108 mà nhiều mẹ còn đang thắc mắc. Hy vọng bài viết sẽ giúp các mẹ có thêm hiểu biết về quá trình đón con chào đời ở viện 108. Chúc các mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh và vượt cạn thành công nhé.
Trả lời