Trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch còn non nớt, do vậy rất dễ bị các virus, vi khuẩn có hại tấn công khiến trẻ mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng hoặc các bệnh có ảnh hưởng đến tương lai của trẻ. Đây là một chủ đề luôn làm các ông bố bà mẹ có con nhỏ “đau đầu”. Vì vậy, bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các bệnh thường gặp ở bé sơ sinh, giúp các mẹ dễ dàng nhận biết qua các biểu hiện của bệnh, kèm theo các giải pháp chăm sóc và điều trị giúp cho bé yêu trở nên tốt hơn.
1. Vàng da
Vàng da là một loại bệnh thường xảy ra trong những tháng tuổi đầu tiên của trẻ nhưng dễ xảy ra và nguy hiểm nhất là trong 2 tuần đầu đời. Bệnh được chia làm 2 mức độ: vàng da sinh lý (ở mức độ nhẹ) và vàng da bệnh lý (ở mức độ nặng hơn).
Vàng da nếu không được xử lý sớm có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng của bé. Bệnh trở nên nặng hơn sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm do chất bilirubin tăng, sau đó xâm nhập vào nhân xám não, từ đó làm bé bị tổn thương não và có nguy cơ tàn tật, bại não.
Nguyên nhân:
- Do tăng chất bilirubin trong cơ thể.
- Do nhiễm khuẩn: thường xảy ra đối với bé mới sinh là nhiễm khuẩn rốn và nhiễm khuẩn da, sau đó sẽ xuất hiện vàng da.
- Do người mẹ bị mắc giang mai: bệnh vàng da thường nhẹ nhưng lâu khỏi, kèm theo lách to, gan to.
- Do virus: chủ yếu từ virus gây bệnh viêm gan từ khi mẹ còn mang thai, virus sẽ truyền từ mẹ sang con qua nhau thai.
- Do tắc mật bẩm sinh: vàng da do đường mật bị teo nhỏ lại ở các mức độ khác nhau.
- Vàng da tan máu là do bất đồng yếu tố Rh xảy ra khi bố có yếu tố Rh(+), mẹ có yếu tố Rh(-) sinh ra con có yếu tố Rh(+).
Biểu hiện của bệnh:
- Khi dùng tay ấn vào các vùng mặt, trán, ngực, quanh rốn, đùi, bàn chân, bàn tay,… của trẻ thì vùng da bị ấn không trắng mà lại có màu vàng.
- Bé xuất hiện một số triệu chứng như quấy khóc, ngủ nhiều, bú yếu, nước tiểu trong và ít, không đi tiêu phân xu.
- Các mức độ của vàng da:
- Nhẹ: bé vẫn bú tốt nhưng mặt và thân mình hơi có màu vàng.
- Nặng: bé bú kém, bỏ bú, da vàng sậm ở các vùng mặt, tay, chân, thường xuất hiện ở các bé bị vàng da sớm, khoảng 1-2 ngày sau sinh.
- Cần đưa bé đến bác sĩ kịp thời trong trường hợp bố mẹ nghi ngờ bé bị vàng da với các biểu hiện: màu vàng ở mặt lan đến bụng, cánh tay và chân; bé bị vàng da nhẹ kéo dài trên 10 ngày; bé chậm chạp, khó thức dậy, kén ăn, bú kém; bé khóc thét hoặc bị sốt.
Phương pháp điều trị:
- Cung cấp cho bé đầy đủ nước và năng lượng, kết hợp truyền Albumine và một số loại thuốc để tăng tốc độ chuyển hóa bilirubin gián tiếp.
- Chiếu đèn là một phương pháp hiệu quả, đơn giản, an toàn và kinh tế nhất.
- Nếu có các triệu chứng đe dọa nhiễm độc thần kinh, bé sẽ cần phải thay máu để đảm bảo an toàn tính mạng.
2. Viêm phổi
Đây là một căn bệnh nguy hiểm và thường gặp ở trẻ sơ sinh bởi trong giai đoạn này phổi bé còn rất yếu. Viêm phổi là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi. Khi bé mắc bệnh, các phế quản nhỏ, phế nang và các tổ chức quanh phế nang trong cơ thể bé bị viêm và tổn thương nặng. Thậm chí có thể dẫn đến tử vong đối với trẻ sơ sinh nếu tổn thương viêm xảy ra rải rác 2 bên phổi bởi nó làm rối loạn trao đổi khí dẫn đến suy hô hấp.
Nguyên nhân:
- Do sự xâm nhập của các loại vi khuẩn Listeria, Gram âm hay Coli vào cơ thể trẻ. Nhiễm khuẩn phổi có thể xảy ra khi bé còn trong bụng mẹ, trong lúc sinh hoặc sau khi sinh.
- Do ngay sau khi sinh, bé hít phải nước ối, phân su đã bị nhiễm khuẩn.
- Trẻ sinh non, thiếu cân có hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện và vận động cơ chưa đều đặn dẫn đến bị trớ khiến sữa vô tình bị hít vào phổi, gây triệu chứng tím tái, thở gấp, hụt hơi. Nếu lượng sữa bị hít vào nhiều dễ dẫn đến bệnh viêm phổi nặng.
- Trẻ sống trong môi trường vệ sinh không đảm bảo: ô nhiễm không khí, hít khói thuốc lá, nước mất vệ sinh,…
- Một nguyên nhân khác là trẻ không được đảm bảo đủ độ ấm trong thời tiết lạnh gây ra nhiễm lạnh dẫn đến viêm phổi.
Biểu hiện của bệnh:
- Bệnh thường không có dấu hiệu khi ở giai đoạn đầu nên bố mẹ cần cẩn trọng đưa con đi khám ngay nếu có các dấu hiệu:
- Bỏ bú, bú kém
- Sốt li bì trên 37,5 độ hoặc trẻ bị hạ thân nhiệt dù đã ủ ấm.
- Trẻ thở nhanh trên 60 lần trong một phút hoặc thở gấp, khó thở.
Phương pháp điều trị:
- Thực hiện các biện pháp chống suy hô hấp bằng việc hút đờm, thở oxy,.. tùy mức độ suy thở ở bệnh viện.
- Chống nhiễm trùng cho bé bằng việc dùng phối hợp kháng sinh, dùng đủ liều và cần tiêm đường tĩnh mạch. (phải hỏi ý kiến của các bác sĩ trước khi sử dụng cho con).
- Ngoài ra, cần thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh viêm phổi như: bảo đảm đủ ấm cho bé vào mùa lạnh, cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ để tăng sức đề kháng, giữ vệ sinh sạch sẽ cho bé và đảm bảo môi trường xung quanh bé an toàn, không có khí độc, không khí trong lành.
3. Nôn trớ
Đây là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh. Thông thường, việc nôn trớ của bé sẽ giảm dần rồi kết thúc khi trải qua giai đoạn sơ sinh. Tuy nhiên, nếu trẻ nôn trớ quá nhiều lần trong ngày sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của bé yêu.
Nguyên nhân:
- Do dạ dày của bé nằm ngang, đồng thời hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn hiện kèm theo cơ thắt tâm vị yếu dẫn đến nôn trớ ở trẻ.
- Do cha mẹ chưa chăm sóc đúng cách: trẻ bị ép ăn, tư thế bú không thỏa mái, quấn tã quá chặt,…
- Do các bệnh về đường tiêu hóa, kèm theo rối loạn nhu động ruột khiến trẻ bị nôn.
- Do dị tật về đường tiêu hóa như hẹp tá tràng bẩm sinh, teo thực quản, hẹp phì đại môn vị,…dẫn đến trẻ bị nôn trớ liên tục ngay sau khi chào đời.
- Do trẻ bị tắc ruột hoặc xoắn ruột,….
Biểu hiện của bệnh: Các chất trong dạ dày bị đẩy ngược lên qua miệng, khiến bé khó chịu, quấy khóc.
Phương pháp điều trị:
- Mẹ nên cho bé bú từ từ, ôm sát bé, cho bé bú đúng tư thế.
- Mẹ nên cho bé ăn bên trái trước bởi vào lúc đói, bé có thể nằm nghiêng bên phải do lượng sữa trong dạ dày còn ít, sau khi bú một lúc thì chuyển sang phải để sữa dễ dàng tuần hoàn mà không gây trào ngược.
- Sau khi bé bú no, không nên để bé nằm ngay mà cần bế và vỗ nhẹ vào phần lưng để bé có thể ợ lượng hơi bé đã nuốt vào dạ dày.
- Đối với nôn trớ bệnh lý do các vấn đề về đường ruột, đường tiêu hóa gây ra, cha mẹ cần đảm bảo thực hiện đúng các hướng dẫn và yêu cầu của bác sĩ bệnh viện.
4. Hăm tã
Hăm tã là một dạng viêm da ở vùng bé mặc tã. Đây là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh do tã bị ướt, tã quá chặt hoặc không được thay tã thường xuyên…
Nguyên nhân:
- Da bé dị ứng với chất liệu của tã hoặc của giấy ướt làm sạch cho bé, cũng có thể bé dị ứng với các hóa chất được dùng để tạo mùi thơm cho tã và giấy.
- Một nguyên nhân khác là nhiễm trùng hoặc nhiễm nấm. Nấm và các vi trùng thường kí sinh ở da, nếu da ẩm ướt hay bị dơ do nước tiểu của trẻ thì nấm và các vi trùng, vi khuẩn rất dễ sinh sôi, phát triển, từ đó gây hại cho da, làm da đỏ, ngứa, rát và khó chịu.
- Do bé có làn da nhạy cảm.
Biểu hiện của bệnh:
- Bé khó chịu, ngứa ngáy, không ngủ ngon.
- Những phần da tiếp xúc với tã (bộ phận sinh dục, ngấn đùi, mông) sẽ nổi mẩn đỏ.
- Xuất hiện nhiều vết sưng, mụn làm da lở loét, phát ban.
- Vùng da tổn thương làm bé đau và quấy khóc mỗi khi cha mẹ chạm vào hoặc tiếp xúc vùng da đó với nước.
Phương pháp điều trị:
- Thay tã thường xuyên, giữ cho bé luôn sạch sẽ, khô ráo.
- Sau mỗi lần thay tã cho con, các mẹ cần rửa tay sạch và kĩ càng.
- Không quấn tã chặt cho bé, khi quấn nên để tã của bé lỏng một chút giúp bé cảm thấy thoáng mát và dễ chịu hơn.
- Duy trì bôi thuốc Bepanthen vào vùng da bị tổn thương 2-3 lần/ngày sau mỗi lần thay tã cho trẻ.
- Đặc biệt không nên sử dụng phấn rôm để xử lý hăm tã cho trẻ vì phấn rôm sẽ làm lỗ chân lông bít lại gây kích ứng nguy hiểm hơn.
- Nếu thực hiện các biện pháp trên trong một khoảng thời gian mà bé vẫn không khỏi thì cha mẹ nên đứa bé đến bác sĩ ngay nhé.
5. Rôm sảy
Rôm sảy là một hiện tượng cơ thể bé lên nhiều nốt phát ban khiến bé bị ngứa ngáy, bứt rứt, khó chịu. Rôm sảy ở trẻ sơ sinh có 4 dạng phổ biến: rôm sảy kết tinh, rôm sảy đỏ, rôm sảy mủ và rôm sảy sâu.
Nguyên nhân:
- Do ống dẫn mồ hôi của bé sơ sinh chưa phát triển đầy đủ nên mồ hôi không thể thoát ra ngoài. Điều này nghiêm trong hơn vào mùa hè, thời tiết nóng nực, da bé không thoát được mồ hôi dẫn đến rôm sảy.
- Do trẻ mặc quá nhiều quần áo và ứ đọng mồ hôi trên da.
- Do môi trường sống ô nhiễm, khói bụi, độc hại.
- Do cha mẹ vệ sinh chưa sạch sẽ, chưa đúng cách cho trẻ.
- Do trẻ bị thiếu nước, mất nước khiến quá trình thải độc của gan và thận kém đi, gây nên rôm sảy.
- Rôm sảy cũng có thể do di truyền từ cha mẹ, ông bà.
Biểu hiện của bệnh:
- Xuất hiện những nốt nổi mẩn đỏ to, hình tròn hoặc lấm tấm, trên đầu rôm có một chút nước và mẩn đỏ ở xung quanh, thường có ở cổ, đầu, lưng, ngực của trẻ.
- Làm cho bé có cảm giác nóng rát, khó chịu, nhất là ở những vùng có rôm mọc dày.
Phương pháp điều trị:
- Cha mẹ nên mặc cho trẻ quần áo mỏng nhẹ và có chất liệu hút mồ hôi tốt.
- Tránh các loại vải thô cứng, kích thích làn da nhạy cảm của bé.
- Những ngày thời tiết nắng nóng nên để bé nằm tự do chơi đùa ở một căn phòng thoáng mát.
6. Tưa lưỡi
Tưa lưỡi là hiện tượng xuất hiện những mảng trắng và vết loét trên bề mặt lưỡi của trẻ sơ sinh. Nếu không xử lý kịp thời, các vết loét có thể lan ra vùng lợi và niêm mạc miệng làm khó khăn trong quá trình ăn của bé.
Nguyên nhân:
- Do bé không có sữa mẹ, phải ăn sữa ngoài nhiều.
- Do một loại nấm Candida hoặc vi khuẩn E coli xâm nhập vào cơ thể gây bệnh tưa lưỡi ở trẻ.
- Do mẹ không vệ sinh núm vú sạch sẽ.
Biểu hiện của bệnh:
- Xuất hiện nhiều chấm trắng trên đầu lưỡi với hình dáng giống với cặn sữa bám lại trên lưỡi trẻ, sau một thời gian sẽ phát triển thành các mảng bám màu trắng lan sang khoang miệng, vòm họng.
- Vùng tưa lưỡi khi bị cọ xát sẽ chảy máu và tạo ra vết thương hở.
- Trẻ có các biểu hiện bỏ ăn, quấy khóc, ngứa ngáy đầu lưỡi và khó khăn khi nuốt.
- Trường hợp tưa lưỡi phát triển mạnh có thể mắc các bệnh liên quan đến hệ hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản hay nấm phổi.
Phương pháp điều trị:
- Các cha mẹ có thể dùng gạc tưa lưỡi kết hợp với nước muối sinh lý để vệ sinh cho cho bé một ngày 2 lần. Nếu bé bị nặng hơn thì mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để an toàn hơn nhé.
- Không dùng mật ong và chanh để làm sạch tưa lưỡi cho bé bởi trong mật ong có chứa nhiều loại vi khuẩn không tốt cho làn da non nớt của bé.
- Mẹ không nên sử dụng mọi cách để cạo những đốm trắng của tưa lưỡi đi vì lưỡi bé rất dễ bị tổn thương và chảy máu.
7. Viêm da
Viêm da cơ địa là một bệnh lý xuất hiện ở cả người lớn và trẻ nhỏ với các triệu chứng như tổn thương da khô kèm theo ngứa ngáy, khó chịu. Trẻ bị viêm da cơ địa sẽ có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nên cần được điều trị kịp thời, tích cực và nhanh chóng.
Nguyên nhân:
- Đối với các trường hợp đẻ thường, trẻ có thể bị viêm da do âm đạo của mẹ có vi khuẩn.
- Bé không được vệ sinh da sạch sẽ.
- Bé bị đổ mồ hôi trong thời tiết nóng nực mà không được tắm hay lau người sớm.
Biểu hiện của bệnh:
- Các vùng da ở trán, miệng, cổ, chân, tay và toàn thân người xuất hiện những vết hình móng ngựa.
- Vùng bị viêm mọc nhiều mụn nước liti, có thể xuất hiện hiện tượng chảy dịch.
- Có hiện tượng phù nề, làm cho trẻ có cảm giác ngứa ngáy và đau rát.
- Có mụn, mủ và đóng vảy tiết màu vàng, sau một thời gian da bị khô ráp, bong tróc và đỏ hơn những vùng không bị tổn thương.
Phương pháp điều trị:
- Chọc những mụn mủ bằng tăm bông sau đó lau sạch mủ.
- Sát khuẩn vùng da bị mụn mủ bằng bông khô có tẩm dung dịch sát khuẩn.
- Bôi dung dịch xanh methylen cho bé.
- Tắm cho bé một lần 1 ngày.
8. Một số dấu hiệu nguy hiểm khác
Các bậc cha mẹ cần nhanh chóng đưa con đến bệnh viện kiểm tra khi thấy con xuất hiện các triệu chứng sau:
- Bé sốt cao đến 38-39 độ.
- Xảy ra mất nước nếu bé bị tiêu chảy, sốt, không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng, ở trong môi trường quá nóng hoặc nôn mửa kéo dài.
- Tiêu chảy trong phân có máu hoặc có hơn 6 lần đi phân lỏng trong một ngày.
- Bé bị nôn mửa có máu hoặc có màu xanh lục.
- Bé khó thở, thở nhanh, thở nhiều hơn bình thường, thở khò khè hoặc phải há miệng ra như đang lẩm nhẩm cái gì đó.
- Ở rốn và dương vật có mẩn đỏ hoặc rỉ máu
- Chảy nước mũi, sốt, bỏ bú hơn một ngày và ho kéo dài 2-3 tuần có thể là triệu chứng của nhiễm trùng hô hấp.
Hy vọng với những chia sẻ của muaonlinegiatot.com giúp các mẹ biết được phần nào về triệu chứng và phương pháp điều trị các bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh giúp con phòng ngừa và được chữa trị kịp thời. Chúc các bé có một sức khỏe tốt và luôn hạnh phúc, vui vẻ nhé.
Để lại một bình luận